Từ rất lâu chùa Cầu Hội An được biết đến không chỉ là biểu tượng du lịch của khu phố cổ mà còn là sự kết tinh cả linh hồn của đất và người dân Hội An. Chùa Cầu là một mảnh ghép giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, cây cầu 400 năm lịch sử đã đi sâu vào tiềm thức của những con người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hội An ngàn năm hoài cổ. Ngày nay, chùa Cầu vẫn ở ngay đó, uy nghi mà trầm lặng như nhân chứng cho một thời vang bóng nhưng vẫn sáng mãi của phố cổ Hội An.
Table of Contents
Vẻ đẹp chùa cầu Hội An
Chùa Cầu Hội An – Dấu ấn thời gian
Có ai đó đã từng ví, Chùa Cầu là điểm sáng của du lịch Hội An, là tình yêu của kẻ ở, người đi đầy lưu luyến thì quả thực không sai. Chùa Cầu Hội An nằm vắt mình qua một nhánh nhỏ của dòng Thu Bồn quanh năm ôm ấp thành phố, xung quanh được bao bọc bởi khu phố cổ nghìn năm lịch sử, phảng phất đâu đó nơi góc phố hàng cây chút buồn miên man nhưng vẫn chan chứa niềm tin và hi vọng về tương lai tươi sáng rực rỡ của người dân nơi đây, những con người không ngừng ước mơ và lạc quan về cuộc sống.
Chùa Cầu cổ kính trầm mặc, nép mình giữa những phồn hoa của phố Hội hiện đại. Nơi ấy đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của dòng lịch sử theo thăng trầm thời gian và đặc biệt là ghi dấu sự giao thoa của các nền văn hóa độc đáo, tất cả đã khoác lên phố Hội một nét đẹp hiếm có của ngày hôm nay.
Phố cổ Hội An ngày xưa kia từng là một thương cảng lớn sầm uất, nơi thương nhân nước ngoài đến gặp gỡ, giao thương hàng hóa với thương nhân trong nước. Nơi đây vẫn đến nay còn lưu giữ nhiều dấu tích của nhiều nền văn hóa giao thoa với nhau vào khoảng thời gian từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 17. Đặc biệt là sự giao thoa của nền văn hóa Đông Nam Á với Đông Á tiêu biểu như: Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc, chính vì thế mà Chùa Cầu cũng là một công trình kiến trúc chứa đựng nhiều tinh hoa văn hóa của Việt Nam với một số nền văn hóa khác, trong sự hài hòa mà vẫn có nét rất riêng.
Dấu ấn kiến trúc của Nhật Bản
Chùa Cầu nằm trên đoạn tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, phố cổ Hội An, Quảng Nam. Cầu có tổng chiều dài cây cầu dài 18 mét có mái che mưa, che nắng bắt ngang qua một nhánh nhỏ sông Thu Bồn êm đềm. Tương truyền năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Lai đã di hành đến thăm chùa và ban tặng cho chùa ba chữ “Lai Vãn Kiều”, với ý nghĩa là “Bạn từ phương xa đến”, như một sự trầm trồ, ngợi khen, đồng thời thể hiện tấm lòng yêu mến cảnh quan và cũng như một cách để ghi dấu bước chân Chúa từng đến vùng đất đất này.
Khéo léo được đặt trên một cây cầu, dưới chận dòng nước mát trong xanh, trên là nóc nhà bình yên che chở, Chùa Cầu là đại diện nổi bật cho lối kiến trúc truyền thống của phương Đông. Chùa Cầu là một trong những điểm đến du lịch Hội An đầy ý nghĩa, hoàn hảo cho hành trình khám phá của mọi người bởi nét kiến trúc độc đáo của những cây cột bằng gỗ, được sơn son, chạm trổ kỳ công, tỉ mỉ.
Người ta hay nói, Chùa Cầu Hội An mang nhiều nét kiến trúc đặc trưng của Nhật Bản bởi chính những bức tượng thú đứng chầu, đó là những linh vật trong tính ngưỡng thờ tự. Theo quan niệm của người Nhật, đó là tượng khỉ và tượng chó thể hiện sự oai nghiêm. Một giai thoại khác kể lại rằng , chùa bắt đầu xây dựng vào năm Thân, nhưng đến năm Tuất mới hoàn thành nên người ta đã dựng những bức tượng ấy với mục đích ghi nhớ. Dù cho mang ý nghĩa gì thì những linh vật ấy vẫn ngày đêm bảo vệ che chở cho ngôi chùa, vẫn trầm mặc hòa cùng nhịp sống bình lặng.
Nhìn từ xa xa Chùa Cầu nổi bật với đường cong của mái che uyển chuyển, mềm mại, tựa như cầu vồng, bừng sáng một góc phố cổ, cổ kính nhưng lại hiện đại, trầm mặc lại rất nhộn nhịp, đa dạng màu sắc từ văn hóa cho đến kiến trúc và cả tôn giáo.
Sở hữu vẻ đẹp hàng đầu về kiến trúc, Chùa Cầu được vinh dự được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia vào năm 1990, và là địa điểm tham quan hấp dẫn của phố cổ Hội An. Một điều đặc biệt mà có lẽ ít ai để ý đến là hình ảnh của Chùa Cầu được in ngay trên tờ tiền 20000 đồng bằng giấy nhựa polymer của nước ta, điều đó đủ để thể hiện giá trị to lớn, quan trọng cả về tâm linh lẫn đời thực của nơi đây.
Chùa nhưng lại không thờ Phật
Chùa Cầu tuy được gọi là chùa nhưng nơi đây không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – một vị thần bảo hộ xứ sở, mang lại niềm vui, hạnh phúc đến cho những con người trên mảnh đất này. Hàng năm, không chỉ người dân địa phương mà du khách cũng đến, đây không chỉ là địa điểm tham quan, khám phá mà còn là nơi để tìm kiếm chút thanh thản, bình yên cho những tâm hồn đã quá xáo động.
Chùa Cầu còn có tên khác là Cầu Nhật Bản bởi được các thương nhân người Nhật xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 17 với biểu tượng mái hình chiếc kiếm đang đâm xuống lưng con quái vật mamazu – một loài quái vật gây ra động đất, thiên tai với khát vọng đem lại sự bình yên cho mảnh đất thương cảng, nơi hội tụ giao thương.
Thời gian vẫn cứ trôi mãi, bao thế hệ đã đến và đi qua nơi phố cổ Hội An đầy thăng trầm, nhưng Chùa Cầu vẫn uy nghiêm đứng đó, chứng kiến sự đổi thay. Những lớp bụi thời gian không ngừng phủ lên, tưởng chừng có lúc nơi đây sẽ đi vào lãng quên, nhưng không Chùa Cầu vẫn mãi đẹp như chính trái tim ấm nóng của Hội An trong lòng người dân địa phương và bao du khách. Khi đến Hội An mọi người đừng quên đến nơi đây để cảm nhận và hoài niệm một chút gì đó cổ xưa, tìm kiếm sự tĩnh tại giữa dòng đời hối hả, con người có thể lãng quên nhau nhưng quá khứ thì vẫn còn mãi đó nhắc nhở chúng ta phải trân trọng quá khứ để sống trọn vẹn ở hiện tại.